THAM VỌNG TRÁI CÂY VIỆT

Tạp chí Forbes Việt Nam có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc của Vina T&T.

Sau 11 năm xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc của Vina T&T, cho rằng cần có người tiên phong và cộng đồng bền vững để thế giới biết đến nông sản Việt Nam.

Trụ sở tập đoàn Vina T&T màu trắng và đỏ, nằm khang trang trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Dáng người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T kết thúc cuộc họp với phó chủ tịch hệ thống siêu thị Costco, để bàn về hợp đồng xuất dừa tươi, xoài và thanh long vào chuỗi bán lẻ hàng đầu ở Mỹ này.

Năm 2018, xuất khẩu rau củ quả Việt Nam đạt hơn 3,7 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, doanh thu Vina T&T đạt 30 triệu đô la Mỹ và là đơn vị dẫn đầu xuất khẩu vào Hoa Kỳ, chiếm 50% số lượng trong khoảng 15 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường khó tính này. Theo con số công ty công bố, năm 2018, công ty xuất đi hơn 7.200 tấn dừa trái, 3.800 tấn thanh long, 1.800 tấn nhãn và 200 tấn chôm chôm. Năm 2017, dừa xiêm Bến Tre lần đầu vào thị trường Mỹ qua “bà đỡ” Vina T&T. Tháng 4.2019, sau 10 năm đàm phán, Vina T&T đưa 15 tấn xoài cát chu và xoài tượng đầu tiên vào Mỹ, thị trường nhập khẩu xoài lớn nhất thế giới. “Tôi muốn gia đình, bà con quê vợ tự hào, trái cây Việt Nam phát triển bền vững và được thế giới biết đến,” ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.

Ông Nguyễn Đình Tùng trên Táp Chí Forbes Việt Nam

Thành lập năm 2014, Vina T&T hiện gồm bảy công ty con kinh doanh tập trung xuất khẩu trái cây Việt Nam. Dựa trên nguồn tài chính tích lũy, công ty phát triển ba nhà máy tại Đồng Tháp, Bến Tre và Tiền Giang, vùng trồng cây ăn quả chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả ở phía Nam. Ngoài ra, công ty đang xây dựng nhà máy dừa tươi Kim Thanh lớn nhất tỉnh Bến Tre với công suất 25 triệu trái mỗi năm nằm ngay cạnh vùng nguyên liệu 200 héc ta theo các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO.

Trái cây là một ngành nông nghiệp gặp nhiều rủi ro. Mưa, gió to xước trái, thu hái không cẩn thận làm dập, trái cây chứa sinh vật ngoại lai, thu hoạch không đúng thời điểm khiến chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và nhà xưởng làm trái bị nẫu từ bên trong… Chuỗi giá trị ngành cũng gồm rất nhiều mắt xích từ khâu làm sạch đất, nguồn nước, chọn giống tốt, lựa phân bón an toàn, thuốc trừ sâu, thu hoạch, vệ sinh, đóng gói và xuất khẩu. Việc kết nối giữa Vina T&T với bốn nhà: nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông để phát triển chuỗi giá trị đạt hiệu quả cao do có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, san sẻ trách nhiệm. Vina T&T chịu trách nhiệm liên kết trực tiếp với ngân hàng hỗ trợ nông dân vay vốn. Họ ký hợp đồng với hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm. Họ kết hợp với viện Cây ăn quả để tư vấn giống, hướng dẫn nông dân canh tác, còn viện Kỹ thuật nông nghiệp chịu trách nhiệm tư vấn và cung cấp phân bón an toàn, bảo đảm theo chất lượng VietGAP. “Ít có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào máy móc thiết bị và vùng trồng, không phải ai cũng tận dụng được nguồn nguyên liệu an toàn, tiên phong đi vào các thị trường khó tính như Vina T&T,” ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký hiệp hội Rau quả Việt Nam Vinafruit trả lời Forbes Việt Nam qua điện thoại.

Vina T&T ký hợp đồng hằng năm với các khách hàng lớn để đảm bảo ổn định cho công ty, các đối tác và nông dân. Đại diện hợp tác xã Nông sản an toàn xã An Hòa, Châu Thành, Đồng Tháp chia sẻ: “Vina T&T ký hợp đồng giá ổn định một năm, hoạt chất cấm thì công ty hướng dẫn nông dân không sử dụng.” “Người giỏi tôi cần. Một người bảo vệ trông xe siêng năng tôi cũng mời về làm việc. Trách nhiệm là giá trị lớn. San sẻ là cách sống và làm việc của tôi,” ông Nguyễn Đình Tùng nói. Triết lý sống và kinh doanh của ông chủ 41 tuổi thể hiện trong việc đặt tên công ty. Hai chữ T trong Vina T&T, nghĩa là Tùng và Thảo, tên ông và vợ. Vina T&T giữ nguyên tên tiếng Việt “dừa xiêm Bến Tre” trên sản phẩm vì muốn khách hàng biết tới nguồn gốc.

Do hậu quả chiến tranh để lại, việc sử dụng tràn lan các loại thuốc bảo vệ thực vật, khiến cho đất thường mất từ 3 – 10 năm để có thể phục hồi chất lượng. Đất trồng dừa mất ba năm để “rửa đất,” thuộc loại ít thời gian nhất. Tính ra, trồng cây bốn năm, sau bảy năm sẽ có trái theo chuẩn hữu cơ. Đây là loại trái nhiều ưu điểm: cần ít phân bón, sạch do lớp vỏ dày, nhiều chất bổ dưỡng, lại có lợi thế về mùa vụ, có vị ngon ngọt riêng, hoàn toàn có thể cạnh tranh được về chất lượng. Hiện nay, mỗi tuần, Vina T&T đều đặn xuất khẩu 100 ngàn trái dừa xiêm Bến Tre cho hệ thống bán lẻ H&T Seafood ở Mỹ. “Lượng dừa xuất sang Mỹ tiếp tục tăng, thâm nhập thị phần từ trước tới nay được xem là sân chơi người Thái có ưu thế. Đơn hàng này còn giải quyết được bài toán đầu ra cho trái dừa Việt Nam vào mùa mưa khi tiêu thụ nội địa thấp,” ông Tùng nói.

Ăn nói nhỏ nhẹ, giọng Quảng, ông Tùng có nụ cười thân thiện. Có sở thích trồng và chăm sóc cây từ nhỏ, ông Tùng đeo đuổi cả ba thú chơi nuôi cá, nuôi chim và trồng cây. Quan điểm thông thường: Nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng chí, nuôi cây dưỡng thần. Ông Tùng nghĩ rằng: “Nuôi cá sống dài, nuôi cây ra trái, nuôi chim lớn hót hay để bay đi.”

Theo bộ Công Thương, trong các mặt hàng trái cây chủ lực về xuất khẩu, dừa tươi là một trong những mặt hàng đang có mức tăng trưởng mạnh nhất. Khi qua xử lý, trái dừa tươi xuất khẩu của Vina T&T sẽ bảo quản được tới 80 ngày. Nhãn bảo quản được 45 – 60 ngày, thanh long 30 ngày, xoài 30 ngày. Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) Trần Thanh Nam cho rằng, với khả năng bảo quản được kéo dài như vậy, trái dừa tươi Việt Nam hoàn toàn có thể đến được với những thị trường xa. Ông Tùng nói: “Mọi mục tiêu phải bắt nguồn từ năng lực nội tại. Mình tự hoàn thiện mỗi ngày và đẩy mục tiêu ra xa hơn.”

ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI, xây dựng chuỗi giá trị là câu chuyện ít ai mặn mà vì kinh phí lớn, thu lời ít, rủi ro cao. Để thực hiện tiêu chuẩn Global GAP (Global Good Agricultural Practice – thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế), doanh nghiệp mất khoảng 5.000 đô la Mỹ cho một loại trái cây mới trên một khoảng diện tích. Tính ra, 10 loại trái, kinh phí lên tới 50 ngàn đô la. Nhưng đối với Vina T&T, các vườn trái cây xuất khẩu được sản xuất theo đúng quy trình chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và GlobalGAP. Ông Nguyễn Đình Tùng hy vọng việc truy xuất nguồn gốc, có thể thay thế các giấy chứng nhận trong tương lai để giảm bớt chi phí cho bốn nhà và người tiêu dùng. Vina T&T là doanh nghiệp tiên phong thực hiện truy xuất nguồn gốc với VNPT, có code kiểm tra sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về vùng trồng, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cục Bảo vệ thực vật và cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cùng các chỉ số, bón phân cách 30 ngày thu hoạch…

“Tiềm năng phát triển xuất khẩu ngành rau quả Việt Nam còn rất lớn,” ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng bộ NN – PTNT phát biểu tại hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam diễn ra giữa tháng ba vừa qua tại Long An. Đồng tình với quan điểm này, ông Tùng chia sẻ “thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, đây là mỏ vàng đầy tiềm năng nếu biết cách khai thác, tổ chức cùng cộng đồng.”

Cùng với xuất khẩu, cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, không nên bỏ qua thị trường nội địa với quy mô dân số 95 triệu dân, 16 triệu khách du lịch và nhu cầu tiêu thụ trái cây trong nước khoảng 68-70 kg/người. Đối với thị trường trong nước, người Việt đang có nhu cầu rất lớn với sản phẩm chất lượng, có thương hiệu. “Ở thị trường nội địa muốn làm lâu dài và có dấu ấn riêng thì xây dựng chuỗi riêng, hiện đại, mẫu mã bao bì hấp dẫn vì bán qua chợ truyền thống thì không có tiêu chuẩn chất lượng cụ thể”, ông Tùng lý giải. “Người Việt cũng phải được sử dụng hàng tiêu chuẩn chất lượng cao,” ông Tùng cho biết thêm Vina T&T chuẩn bị cho ra mắt chuỗi cửa hàng Fruit T&T tại TP.HCM vào giữa năm 2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *